Khi nói đến hồ sơ để xin việc của một artist, thì thứ quan trọng nhất không phải là bằng cấp, resume (CV), hay cover letter, mà là portfolio của bạn. Nó là thứ duy nhất mà nhà tuyển dụng muốn xem đầu tiên, cũng như là thứ quyết định sự thành bại trong suốt sự nghiệp của bạn. Khi nhìn vào cách trình bày một portfolio, có thể nói lên rất nhiều điều về ứng viên đó có phải là một người thông minh và chuyên nghiệp hay không. Vậy portfolio phải như thế nào để có thể gây thiện cảm và ấn tượng với nhà tuyển dụng? Sau đây là một số lời khuyên cho những bạn sinh viên mới ra trường và đang chuẩn bị tìm công việc đầu tiên cho mình.
1. ĐƠN GIẢN
Trong thiết kế, đơn giản luôn là một sự lựa chọn thông minh. Portfolio của bạn nên được trình bày một cách đơn giản nhất có thể. Giao diện cần phải sạch sẽ, hình ảnh nên chiếm 80 - 90%, còn lại mới là chữ. Không dùng màu sắc và fonts chữ lòe loẹt, khó nhìn. Cũng không nên có nhạc, âm thanh, hay UI animations vì nó rất dễ gây khó chịu cho người xem.
2. GỬI GÌ CHO NHÀ TUYỂN DỤNG?
Các nhà tuyển dụng thường luôn rất bận, vì họ phải nhận hàng chục hoặc hàng trăm đơn xin việc mỗi ngày. Họ phải xem, tìm kiếm, sàn lọc, liên hệ, trả lời, và sắp xếp thời gian phỏng vấn cho rất nhiều người. Do đó bạn phải tự đặt bản thân vào vị trí của họ và suy nghĩ làm thế nào để giúp họ tiết kiệm thời gian được nhiều nhất, thì bạn là một người thông minh. Do đó Portfolio phải được thiết kế sao cho nhà tuyển dụng có thể xem các tác phẩm và tìm kiếm thông tin liên lạc của bạn một cách dễ dàng và thuận tiện nhất. Đây là những thứ mà bạn nên gửi cho nhà tuyển dụng khi xin việc.
Online Portfolio của bạn. Có thể là Artstation hoặc là một website cá nhân, nhưng phải đảm bảo rằng tất cả links đều hoạt động và nhanh.
Một bản PDF chứa tất cả những tác phẩm mà bạn muốn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Đây là một kế hoạch dự phòng trong trường hợp online portfolio không hoạt động, cũng như nó sẽ giúp nhà tuyển dụng dễ dàng in ra và truyền tay cho các Art Leads, Directors, và Producers trong công ty.
Một bản Resume (CV), chứa toàn bộ lý lịch về bản thân bạn như họ tên, nơi cư trú, bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, giải thưởng (nếu có), khả năng ngoại ngữ, và thông tin liên lạc như email, phone, Linkedin, Artstation. Lưu ý là nên thiết kế resume của bạn đơn giản, ngắn gọn trong 1-2 trang. Không cần ghi tiểu sử về bản thân, hay sở thích cá nhân vì thật sự là chẳng ai quan tâm cả. Kinh nghiệm làm việc thì chỉ liệt kê ra những full-time jobs, còn các công việc tình nguyện hay bán thời gian như làm ở StarBucks, KFC, Lotteria, thì cũng không ai quan tâm. Hình ảnh cá nhân, ngày sinh, tôn giáo, giới tính, tình trạng hôn nhân, cũng không nên để vào resume vì có thể sẽ bị phân biệt đối xử.
Một lá thư xin việc (cover letter), viết lý do vì sao bạn muốn làm việc ở đây. Lá thư này thật sự mà nói thì không thật sự cần thiết, vì đa phần nhà tuyển dụng sẽ không có thời gian đọc. Tuy nhiên, đôi lúc nó sẽ là một lá bùa hộ thân giúp thuyết phục nhà tuyển dụng chọn bạn khi họ đang phải do dự giữa 2 ứng viên ngang nhau. Người nào có lá thư xin việc tốt hơn thì cho thấy người đó rất muốn công việc này và thật sự nghiêm túc khi nộp đơn.
Đây là bản Resume (CV) 2017 của mình, các bạn có thể xem tham khảo.
3. ĐỂ GÌ TRÊN PORTFOLIO?
Khi lựa chọn tác phẩm để trên portfolio, bạn nên đảm bảo là chỉ đăng những tác phẩm mà bạn cảm thấy tốt nhất và tự hào nhất. Không nên đăng những tảc phẩm còn dang dở chưa hoàn thành hay chỉ là luyện tập. Một tác phẩm không tốt có thể kéo tất cả các tác phẩm tốt khác xuống ngang tầm với nó. Chất lượng luôn hơn số lượng. Thumbnails của portfolio cũng rất quan trọng, vì bình thường các nhà tuyển dụng sẽ xem lướt qua portfolio rất lẹ, cho nên những thumbnail đẹp sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của cặp mắt, buộc họ phải dừng lại và xem kỹ hơn.
Nên đăng những tác phẩm đã hoàn thiện. Để nói lên rằng bạn am hiểu quy trình sản xuất của một game/film asset là như thế nào. Vì một asset để có thể dùng được phải trải qua rất nhiều giai đoạn từ modeling/sculpting, uv, retopology, và texturing. Cho nên dù portfolio bạn có rất nhiều sculpture rất ấn tượng, nhưng lại không có một tác phẩm nào hoàn chỉnh thật sự thì nhà tuyển dụng vẫn sẽ do dự về bạn.
Nếu là một 3D concept artist thì bạn nên hạn chế để các tác phẩm fan art, hoặc bắt chước phong cách của một artist khác. Vì concept artist thì cần có cái chất riêng, và sự sáng tạo riêng của mình. Cho nên original work sẽ được đánh giá cao nhất đối với người làm concept.
Ngược lại concept artist, nếu bạn chỉ muốn là một 3D artist bình thường, là dựng model từ concept có sẵn thì phải show thật nhiều tác phẩm fan art, hoặc dựa trên concept của một người khác (không phải của mình). Để cho thấy rằng bạn có khả năng "copy" tốt. Từ copy ở đây không theo nghĩa xấu, là vì bản chất công việc của 3D Artist trong sản xuất là dựng model từ concept có sẵn, bạn không có quyền tự sáng tạo theo phong cách riêng của mình trừ khi được cho phép. Cho nên khả năng nắm bắt cái hồn và dựng hình từ concept là yếu tố được đánh giá cao nhất đối với 3D Artist. "Copy" ở đây có thể hiểu là khả năng biến concepts thành hiện thực. Pablo Picasso có một câu nói rất nổi tiếng, mà sau này Steve Jobs rất hay dùng lại. Ngoài Picasso, những artist khác cũng đều có câu nói tương tự. Câu này có rất nhiều cách hiểu, hiểu thế nào thì tùy theo cách của mỗi người.
“Good artists copy, great artists steal.”
“The immature poet imitates; the mature poet plagiarizes.”
“The immature artist imitates, the mature artist steals.”
“A good composer does not imitate; he steals.”
4. THÁI ĐỘ LỊCH SỰ VÀ CHUYÊN NGHIỆP
Theo như kinh nghiệm bản thân, có thể nói rẳng đa số các đơn xin việc cũng như thái độ xin việc của những bạn "mới" đa phần là rất qua loa và thiếu chuyên nghiệp. Chẳng hạn như gửi đơn xin việc nhưng quên đưa portfolio. Thư xin việc gói gọn trong 1-2 dòng, không có chào hỏi hay tạm biệt. Liên hệ nhà tuyển dụng qua facebook chat thay vì email hay Linkedin. Gửi một email chung chung cho hàng chục các công ty khác nhau, có những người tệ hơn là còn CC cho tất cả. Đặt lịch hẹn với nhà tuyển dụng vào những thời gian nằm ngoài giờ làm việc hoặc liên hệ quấy rầy liên tục. Bạn nên nhớ khi tuyển một người, không phải chỉ xem kỹ năng chuyên môn không thôi, mà còn xem thái độ làm việc của người đó nữa. Bạn có kỹ năng chuyên môn cao, nhưng là một người vô kỷ luật, vô trách nhiệm, tự cao, và xem thường người khác thì 100% là sẽ không ai muốn làm việc với bạn. Những lỗi này quá cơ bản, nó nói lên rằng bạn là một người không nghiêm túc và thiếu chuyên nghiệp thì kết quả dĩ nhiên là sẽ bị loại ngay vòng đầu.
Nếu để ý, không phải tự nhiên mà những người đảm nhiệm vị trí nhà tuyển dụng đa phần đều là phụ nữ. Bởi vì phụ nữ thường có EQ rất cao, do thiên chức làm mẹ của họ. Trẻ sơ sinh khi chưa thể nói chỉ có thể giao tiếp với người mẹ thông qua ngôn ngữ cơ thể của chúng. Cho nên để hiểu con mình cần và muốn gì, phụ nữ được trời ban cho một khả năng đọc vị tốt hơn đàn ông rất nhiều. Do đó trong quá trình tuyển dụng, bạn có thể sẽ bị soi ở từng hành động nhỏ mà bạn không thể ngờ tới. Phụ nữ thường có EQ cao nên họ sẽ rất dễ giao tiếp cũng như lắng nghe các ứng viên để đào sâu hơn về con người bạn. Cái mà họ muốn tìm chính là khuyết điểm và lý do để không tuyển bạn, và chỉ khi không tìm thấy lỗi nào đáng kể thì bạn mới thật sự thành công. Họ là bộ mặt của công ty, và là người đầu tiên mà bạn sẽ gặp trong quá trình xin việc, cho nên đừng dại dột xem thường họ mà làm việc qua loa cho xong.
5. Thật thà và minh bạch
Khi đã quyết định chọn nghề này, và muốn trở thành một artist chuyên nghiệp. Thì thật thà và minh bạch là 2 thứ mà bạn phải luôn nằm lòng. Đây là một ngành công nghiệp sáng tạo, cho nên sự thiếu thật thà có thể sẻ phá hủy hoàn toàn sự nghiệp của bạn hiện tại và cả sau này. Tôn trọng quyền sáng tạo và bản quyền. Không lấy tác phẩm người khác và nói là của mình. Không lừa dối nhà tuyển dụng hay khách hàng ở mọi hình thức. Nếu sử dụng bất cứ sản phẩm gì không phải do mình làm ra đều phải xin phép tác giả. Không cổ xúy cho các hành động sử dụng và chia sẻ các sản phẩm không có bản quyền và phi pháp. Nếu muốn người khác tôn trọng tác phẩm của mình thì trước tiên phải học cách tôn trọng quyền sáng tạo của người khác. Nhỏ thì nó sẽ phá hủy sự nghiệp của bạn, lớn thì sẽ giết chết cả một thị trường.
6. ĐÁNH GIÁ ĐÚNG GIÁ TRỊ BẢN THÂN
Những bạn mới bước chân vào nghề thường khá tự ti và hay đánh giá thấp bản thân mình. Hoặc đơn giản là chấp nhận làm giá rẻ mạt để dễ kiếm nhiều việc làm hơn. Đây là một suy nghĩ vô cùng sai lầm, nó không những hại chính bản thân bạn mà còn hại cả một cộng đồng. Để trở thành một artist không phải dễ, vì nó đòi hỏi rất nhiều luyện tập và cố gắng, cũng như áp lực công việc rất cao. Đây là nghề học cả đời, chứ không phải 3-4 năm như các nghề khác. Đó là lý do tôi không bao giờ khuyến khích ai đi theo nghề này nếu như chưa thấy ở họ đủ sự đam mê để theo đuổi công việc này.
Khi bạn nhận một công việc với mức lương rẻ mạt hoặc dưới mức trung bình thì người chịu thiệt đầu tiên chính là bản thân bạn. Kế tiếp là cộng đồng, vì bạn đang phá giá mức lương trung bình. Nó sẽ làm cho nghề này mất giá trị và bị xem thường, vì khách hàng (những người không phải artist) sẽ nghĩ đây là công việc rẻ mạt và dễ dàng, nên không cần phải trả lương cao.
Vậy phải đưa ra giá thế nào thì hợp lý? Đưa ra giá nào mà bạn cảm thấy thoải mái, vui vẻ để làm việc mà không phải lo lắng trang trải cuộc sống hàng ngày là được. Và nó phải phản ánh đúng giá trị bản thân của bạn, cũng như trách nhiệm công việc mà bạn phải đảm nhiệm. Nếu như bạn là một người có khả năng và công ty cần bạn, thì bạn xứng đáng phải được trả lương cao. Vì khi bạn có thu nhập tốt và cảm thấy vui vẻ khi được xem trọng, thì năng suất làm việc mới cao và hiệu quả. Nếu khách hàng hoặc sếp mà tiếc tiền với bạn thì có nghĩa họ không xứng đáng để bạn trung thành và đóng góp sức lực. Tuy nhiên bạn cũng phải cần thành thật với bản thân, nên biết trình độ mình ở đâu và không nên ảo tưởng về khả năng của mình quá mức.
Dưới đây là một video Money Talk của Chris Do, bàn luận kỹ hơn về vấn đề "định giá", rất đáng để tham khảo qua.
Tuy đây là một bài viết đặc biệt cho các bạn 3D Artists nhưng cũng hy vọng những lời khuyên này cũng sẽ giúp ích phần nào cho các bạn ở các ngành thiết kế khác một khái niệm cơ bản khi đang chuẩn bị hành trang cho bước chân đầu tiên của mình ở ngành công nghiệp này!